Thương mại điện tử Việt Nam tăng nhanh về quy mô và tốc độ trong những năm gần đây, đòi hỏi năng lực cao hơn của cả chuỗi cung ứng, đẩy cuộc đua dịch chuyển vào chặng mới: các nhà cung cấp cạnh tranh hoàn thiện hệ thống cung ứng kho vận hậu cần.
BW Industrial, liên doanh giữa Becamex IDC và quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu Warburg Pincus hôm 29.8 vừa ký hợp tác chiến lược với sàn thương mại điện tử Shopee và nền tảng chuỗi cung ứng tích hợp Best Inc. nhằm phát triển hoạt động logistics cho thương mại điện tử tại Việt Nam. Hai kho BW Industrial cung cấp cho đối tác có tổng diện tích 5 ha tại TP.HCM, tăng số lượng kho cho Shopee lên 3 trên cả nước tính đến nay.
Trong khi đó, kho tự động 5 ha đầu tiên này là diện tích khá khiêm tốn với Best Inc. – công ty chuyên cung cấp dịch vụ logistics có trụ sở tại Hàng Châu (Trung Quốc), tính trong một nền tảng đang vận hành tổng diện tích đến 650 ha. Best Inc. đã được Alibaba rót vốn đầu tư, mỗi ngày họ xử lý hơn 20 triệu đơn hàng chuyển phát và dự kiến cuối năm nay vượt 30 triệu đơn hàng.
Ông Nelson Wu, tổng giám đốc Best Inc Việt Nam, nói Best Inc., đầu tư khi nhìn vào tăng trưởng của Shopee tại Việt Nam thời gian qua cùng với số dân trẻ dễ thích ứng công nghệ mới và nền kinh tế tăng trưởng ổn định. “So với các thị trường khu vực, thương mại điện tử Việt Nam còn nhiều tiềm năng là lý do chúng tôi đầu tư,” ông nói.
Ông Trần Tuấn Anh, tổng giám đốc Shopee Việt Nam cho biết trong thời gian qua Shopee nhận được các yêu cầu hợp tác sâu hơn từ các đối tác thương hiệu nhằm hỗ trợ họ phát triển nền tảng bán hàng trực tuyến, tuy nhiên vấn đề kho vận là “nan giải cho thương mại điện tử.”
Người điều hành Shopee Việt Nam cho rằng các giải pháp hậu cầu kho vận tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu đơn hàng cho khách hàng nhỏ lẻ còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống kho bãi. “Hệ thống kho vận là tiền đề cho việc mở rộng quy mô và phát triển của Shopee khi thương mại điện tử đang phát triển nhanh, đặt biệt nhu cầu mua sắm trong các đợt cao điểm,” theo ông Anh.
Bên trong một kho hàng thương mại điện tử. Ảnh: Forbes Việt Nam
Trước đây Shopee kết nối người mua và người bán theo mô hình C2C, quá trình mua bán không thông qua kho hàng tập trung hay đơn vị phân phối chính thức nào. Tuy nhiên đơn vị này đang dịch chuyển sang mô hình B2C, cách Tiki hay Lazada đã vận hành trước đó. Các nhà kinh doanh cho rằng việc đầu tư hệ thống kho trung tâm là cách để cải thiện tốc độ xử lý đơn hàng và giảm chi phí để giành lợi thế ở thị trường thương mại điện tử.
Trong một lần phỏng vấn với Forbes Vietnam, Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập và là chủ tịch Tiki.vn cũng cho hay việc ứng dụng tự động hóa kho vận không khó nhưng cần diện tích đủ lớn và thị trường đủ quy mô. “Dưới 2 ha khó tự động hóa hiệu quả”, ông Sơn nhận xét.
Theo công bố mới nhất của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới hồi tháng 3, chi phí logistic ở Việt Nam chiếm xấp xỉ 21% GDP, cao nhất khối ASEAN. Dù cải thiện đáng kể, từ vị trí 64 năm 2016 lên 39 năm 2018 trong bảng chỉ số năng lực quốc gia về logistic, theo WB, nhưng chi phí này vẫn là gánh nặng lớn của nền kinh tế, gây sức ép lên doanh nghiệp và người dân.
Các sàn thương mại điện tử Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã đẩy mạnh hệ thống kho vận hậu cần nhằm tối ưu hiệu suất và chi phí. Gần đây, Tiki cũng đã hợp tác với UniDepot, một công ty chuyên cung cấp kho bãi và dịch vụ hậu cần để mở rộng năng lực.
Hoạt động giao nhận không đáp ứng kịp nhu cầu đơn hàng của các công ty thương mại điện tử. Xét về năng lực cung ứng, các công ty chuyên nghiệp ước tính phục vụ được chỉ 30% khối lượng đơn hàng.
Trong khi đó, Lazada cũng mở các kho giao nhận tại TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh và công bố đây là chiến lược quan trọng gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho biết Tiki hiện có 10 kho tại 7-8 thành phố lớn với tổng diện tích hơn 10 ha. “Để gia tăng diện tích chúng tôi buộc phải tìm kiếm đối tác”, đại diện Tiki nói và cho biết tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác để gia tăng hệ thống kho bãi từ 3 ha lên 10 ha trong năm 2019
“Nếu nhìn vào hạ tầng logistics tại Việt Nam thì công ty nào có hệ thống kho từ 15 ha đã thuộc hàng top. Một khi tăng diện tích và ứng dụng công nghệ, cắt giảm khâu trung gian Tiki tin tưởng có thể cắt giảm chi phí xuống còn một nửa so với hiện tại”, ông Sơn nói.
Bên cạnh các trung tâm vận hành (fullfillment center), Tiki cũng có những hub (trạm trung chuyển) trên toàn quốc. Hiện nay 99,9% hàng hóa Tiki phải chạy qua fullfillment center, ngoại trừ một số sản phẩm đặc biệt, chẳng hạn như xe máy.
“Muốn giao hàng được trong 2h, Tiki buộc phải có hàng trong kho mới xử lý kịp. Trong giao nhận, vận chuyện chiếm phần lớn thời gian do vậy thời gian xử lý đơn hàng phải rút ngắn lại,” ông Sơn lý giải và khẳng định thêm việc mở rộng năng lực kho vận còn là mục tiêu để Tiki tham gia sâu vào chuỗi cung ứng logistics có quy mô thị trường hàng trăm tỉ đô-la Mỹ mỗi năm.
Euromonitor dự báo khoảng 30% dân số Việt Nam sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến vào năm 2020. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng dự báo thị trường đạt quy mô 13 tỉ USD vào năm 2020. Tuy nhiên ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch VECOM cho rằng với tăng trưởng hiện nay về thương mại điện tử cũng nảy sinh nhiều vấn đề.
Hoạt động giao nhận không đáp ứng kịp nhu cầu đơn hàng của các công ty thương mại điện tử. Xét về năng lực cung ứng, các công ty chuyên nghiệp ước tính phục vụ được chỉ 30% khối lượng đơn hàng. “Ngoại trừ các công ty lớn, các công ty nhỏ đa phần sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ. Đó là điều bất hợp lý trong thương mại điện tử”, ông Dũng nói và cho rằng, “đầu tư hậu cần kho vận là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong thương mại điện tử”.
* Nguồn: Forbes Vietnam