Dù thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam năm qua chứng kiến hàng loạt thương hiệu nước ngoài phải đóng cửa, rút khỏi thị trường nhưng quy mô thị trường này năm qua vẫn tăng thêm gần 18,9 tỉ đô la so với năm 2018.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính đạt 3.751,3 nghìn tỉ đồng (tương đương 161,7 tỉ đô la Mỹ – quy đổi), tức tăng gần 18,9 tỉ đô la so với kết quả của năm 2018.
Như vậy so với năm liền kề trước đó, thị trường bán lẻ hàng hóa năm qua tăng đến 12,7%, một mức tăng khá cao so với những năm trước đó. Cụ thể tính trong 4 năm trở lại đây thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10% và kết quả của năm sau luôn tăng cao hơn năm trước đó. Đáng chú ý, kết quả doanh số bán lẻ hàng hóa năm rồi có mức tăng cao nhất.
Cụ thể kết thúc năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam ước tính đạt 3.306,1 ngàn tỉ đồng (tương đương 142,8 tỉ đô la), tăng 12,4% so với năm trước. Năm 2017 đạt mốc 129,56 tỉ đô la, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Năm 2016 doanh thu bán lẻ đạt khoảng 118 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,2% so với năm 2015 (gần 110 tỉ đô la Mỹ).
Thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam tiếp tục tăng cao trong năm 2019. Ảnh minh họa: Thiên Thư
Với kết quả năm qua cho thấy thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định và là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ nước ngoài, bởi lẻ nhiều nước trên thế giới trong những năm qua luôn trong tình trạng bảo hòa hoặc có dấu hiệu sụt giảm.
Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam tiếp tục là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng. Và nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao này thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam có thể cán được mốc 200 tỉ đô la.
Do đó, việc một số thương hiệu bán lẻ nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam trong thời gian qua, đáng chú ý là vào năm 2019 rồi như chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go, chuỗi siêu thị Auchan (Pháp),… được giới phân tích cho là do mô hình kinh doanh chưa phù hợp hoặc nhà đầu tư các chuỗi này chưa thích nghi, thay đổi cho phù hợp với tình hình, thị hiếu tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh hiện nay.